Hà Nội mùa sấu về

Hà Nội mùa sấu về

Nếu mùa hè có mận Hậu (Nam Định), vải Thiều (Bắc Giang) thì không thể không nhắc đến sấu Hà Nội. Cứ vào khoảng đầu tháng 6, sấu non bắt đầu ăn được là bao nhiêu món ăn với sấu non được dịp "làm mưa làm gió". Chỉ khoảng cuối tháng, sấu bắt đầu già, rồi chín... thế là từ đầu đến cuối mùa lại có bao nhiêu món ngon từ sấu ra đời.

Quả sấu chỉ xuất hiện vào những tháng hè của miền Bắc, đặc biệt là có nhiều ở Hà Nội. Sấu gắn liền với nhiều món ăn của người Hà Nội, chẳng hạn như canh rau muống luộc thì phải có vài ba quả sấu nó mới đủ vị mùa hè, sâu ngâm đường làm nước uống giải khát, sấu ngâm mắm để ăn với cơm hay làm ô mai, sấu dầm như một loại thức ăn vặt.

Nếu có dịp đi dạo qua các phố như Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú….. chắc chắn, tất cả giác quan của chúng ta đều được đánh thức. Đó là mùi thơm, màu xanh lá mát mắt và tiếng lá cây sấu xào xạc va vào nhau nếu vô tình có cơn gió hạ đi qua. Cây sấu là giống cổ thụ, không đến nỗi hiếm hoi nhưng chỉ có vài con đường Hà Nội còn dãy sấu dày phủ bóng xum xuê. Những trưa hè nắng bỏng rát, bước vào khoảng không gian được tán sấu chở che chợt thấy tâm trạng dịu dàng hẳn lại. Khi rảnh rỗi, chăm chú xem người đi hái sấu mà vừa thích thú vừa tò mò.

 

Một số đồ ăn từ sấu mà bạn có thể tham khảo:

1. Sấu non

Ngay từ khi còn chưa chín đủ độ, những quả sấu non (hay còn gọi là sấu bao tử) đã có thể chế biến được nhiều món ngon. Sấu khi non có lớp thịt mềm, ăn được cả hạt, chua dìu dịu do chưa đủ độ. Sấu bao tử chỉ bé bằng hòn bi ve, màu xanh nhạt, thường được làm ô mai sấu bao tử và sấu bao tử ngâm nước mắm ớt. Đây đều là những món khoái khẩu của nhiều cô nàng.

2. Sấu ngâm gừng

Phổ biến nhất và có lẽ cũng là hấp dẫn nhất chính là sấu ngâm gừng. Từng quả sấu giòn ngon, thấm đều vị chua chua ngọt ngọt, quyện mới vị gừng cay nồng như tan nơi đầu lưỡi. Ngay cả giữa mùa đông, chỉ cần nghĩ tới thôi cũng đã khiến nhiều người thèm ứa nước miếng.

Cách làm sấu ngâm gừng cũng khá đơn giản. Sấu cạo vỏ, rửa sạch, ngâm qua với muối để có vị giòn rồi ngâm vào nước sôi để nguội tầm 5-10 phút. Sau đó, để sấu vào nồi, cứ một lớp quả lại rải một lớp đường hoa mai, lần lượt cho tới khi hết sấu và đường; ngâm tầm 10h thì vớt ra.

Bỏ sấu ra khỏi nồi, tiếp tục đun sôi hỗn hợp nước đường với gừng xắt sợi. Chờ phần nước siro đường sấu này nguội thì múc từ từ vào hũ quả sấu khi nãy; để tầm 2 ngày là dùng được. Và thế là cốc nước sấu thơm ngọt, mát bổ quen thuộc cũng được ra đời. Sấu có độ giòn, vị chua ngọt, mùi thơm mát, màu ngả vàng đẹp mắt là đạt yêu cầu. Cách làm này sẽ khiến sấu thơm và không bị đóng váng khi để lâu.

3. Ô mai sấu

Một món ăn nữa cũng là sự kết hợp của sấu và gừng là ô mai sấu xào gừng. Sở dĩ hai thành phần này lại đi với nhau "như hình với bóng" bởi gừng có tác dụng làm nóng, sẽ "chế ngự" được tính mát vốn có của quả sấu, giúp người ăn không bị đau bụng khi thưởng thức.

Món ăn này cũng có cách làm tương tự nhưng sau khi ngâm sấu, gừng và đường cho tan thì đổ vào nồi, đun nhỏ lửa cho tới khi phần nước đường keo lại, sấu chuyển sang màu nâu óng hổ phách.

Giữa vô vàn loại ô mai đủ mùi vị phong phú nhưng đã nhắc tới đặc sản Hà Nội là nhắc tới ô mai sấu gừng này. Sấu phải là những quả có vỏ giòn chắc, tươi ngon, nhỏ vừa miệng, mùi vị ngọt nhẹ quyện với cái cay nóng ấm bụng của gừng. Khi bỏ vào miệng một viên ô mai, người ăn không chỉ cảm nhận được đầy đủ mùi vị thơm ngọt mà còn gợi nhắc cho người đi xa Hà Nội những kỷ niệm ấu thơ.

Ngoài cách chế biến "kinh điển" này, người ta còn nghĩ ra nhiều loại ô mai khác hút khách không kém như sấu cay, sấu cam thảo, sấu dầm…




← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận